Trừ khi bạn đang sống trong một góc rừng nào đó (giả sử như ở Việt Nam vẫn còn rừng), còn nếu không thì trong năm 2023 này chắc chắn bạn đã nghe rất rất nhiều về AI.
Tại sao lại như vậy?
Sự bùng nổ của ChatGPT
Ngày cuối tháng 11 năm 2022, OpenAI đã có một bước đi làm chấn động cả thế giới khi đưa mô hình ngôn ngữ lớn (LLM) ChatGPT ra cho toàn bộ thế giới sử dụng. Cả thế giới đã kinh ngạc trước khả năng của mô hình này. Nó không chỉ như một phiên bản nâng cấp của công cụ tìm kiếm Google khi biết trả lời hội thoại một cách chân thực giống như con người, mà còn có khả năng sáng tạo như viết thơ, viết kịch bản, đưa ra gợi ý, và suy luy luận logic dựa trên tình huống thực tế đưa vào.
Thế nhưng ở Việt Nam, phải mãi đến tháng 6 người dùng Việt Nam mới bắt đầu quan tâm nhiều đến công cụ này. Điều này cũng không quá khó hiểu, khi ban đầu (và thậm chí kể cả hiện nay) có nhiều rào cản về kỹ thuật ngăn cản người dùng ở VN tiếp cận ChatGPT.

Cần biết rằng ChatGPT ban đầu được đưa ra chạy trên nền công nghệ GPT3.5. Đối với dân học thuật ngành AI thì GPT (generative pre-trained transformer) không phải là thứ quá mới khi phiên bản đầu tiên đã được công bố từ 2018, với cập nhật GPT-2 năm 2019 và GPT-3 năm 2020.[1] Tuy nhiên, trước khi OpenAI đưa ChatGPT ra mắt công chúng thì hầu như không ai có đủ nguồn lực để trải nghiệm mô hình này. Trong 4 năm phát triển một cách tương đối âm thầm, đa số công chúng vẫn không hề biết đến sự phát triển mang tính nhảy vọt của công nghệ này.
Nước đi của OpenAI đã mở ra một trật tự thế giới mới, thúc đẩy tất cả các công ty công nghệ khác buộc phải tung ra mô hình ngôn ngữ mà họ đang âm thầm phát triển ra sử dụng công cộng. Đã có rất nhiều chỉ trích về nước đi này của OpenAI là thiếu trách nhiệm, và cũng không khó hiểu về quy chụp này khi có một số mô hình được đưa ra thử nghiệm hạn chế trước đó đã trở nên rất toxic sau một thời gian ngắn, tiểu biểu có thể kể đến Tay của Microft,[2] BlenderBot của Meta.[3]
Thời cơ
Với tư cách là người dùng, chúng ta có thể tạm để lùi câu chuyện đúng sai khi OpenAI đưa ra nước đi có nhiều phần mạo hiểm này. Tuy nhiên, không thể phủ nhận được rằng, năm 2023 đã bùng nổ hàng loạt ứng dụng dựa trên nền tảng AI, từ các ứng dụng đơn giản như chatbot trả lời câu hỏi cho đến phức tạp hơn như tìm kiếm nội dung theo ngữ cảnh (semantic search), khái quát hóa văn bản dài, hỗ trợ lập trình. Đi kèm với sự phát triển của mô hình xử lý tác vụ ngôn ngữ (NLP), các ứng dụng AI về media như sáng tạo hình ảnh, âm thanh, video cũng có bước phát triển vượt bậc.

Các công cụ này đã trở nên cực kỳ thân thiện với người dùng, cho phép người dùng nhập yêu cầu bằng ngôn ngữ thông thường và nhận kết quả ở dạng hình ảnh, video mà không cần phải học cách sử dụng bất cứ công cụ chỉnh sửa nào. Tháng 9/2023, Microsoft đã tung DALL-E 3 ra cho công chúng sử dụng AI tạo ảnh một cách miễn phí, và không khó hiểu khi sớm trở nên quá tải, sau đó từ khéo léo từ chối nhiều yêu cầu của người dùng.
Sự bùng nổ của công nghệ LLM cũng kéo theo sự phát triển vượt bậc của các nền tảng kỹ thuật, hạ tầng giúp các nhà phát triển nhỏ lẻ có thể dưa ra ứng dụng AI của riêng mình, điều vốn trước đó vô cùng đắt đỏ và khó khăn. Với sự phát triển của các hạ tầng như AWS Sagemaker, Google Cloud Platform hay các ứng dụng no-code (Obviously AI, Akkio…) và low-code AI (Google Cloud AutoML, Clarify AI…), gần như tất cả mọi người giờ đây đều có thể tham gia phát triển AI.
Sự bùng nổ của công nghệ LLM cũng kéo theo sự phát triển vượt bậc của các nền tảng kỹ thuật, hạ tầng giúp các nhà phát triển nhỏ lẻ có thể dưa ra ứng dụng AI của riêng mình, điều vốn trước đó vô cùng đắt đỏ và khó khăn. [4] Với sự phát triển của các hạ tầng như AWS Sagemaker, Google Cloud Platform hay các ứng dụng no-code (Obviously AI, Akkio…) và low-code AI (Google Cloud AutoML, Clarify AI…), gần như tất cả mọi người giờ đây đều có thể tham gia phát triển AI.
Vì vậy, có thể nói năm 2023 chính là một thời điểm vàng để bắt đầu học và sử dụng AI. Trong bài viết sau mình sẽ phân tích về sự dễ dàng của việc ứng dụng AI vào công việc dựa trên sự phát triển của các nền tảng công nghệ này.
[1] https://www.forbes.com/sites/bernardmarr/2023/05/19/a-short-history-of-chatgpt-how-we-got-to-where-we-are-today/
[2] https://en.wikipedia.org/wiki/Tay_(chatbot)
[3] https://vnexpress.net/ai-cua-meta-noi-mark-zuckerberg-la-nguoi-xau-4496735.html
[4] https://vnexpress.net/ai-tao-sinh-cuoc-dua-dot-tien-4583275.html