Trước đây đã có không ít bài viết chỉ ra các nguy cơ bị tụt hậu nếu không biết ứng dụng trí tuệ nhân tạo (AI), thế nhưng những con số gần đây đang chỉ ra đây không chỉ còn là nguy cơ mà là vấn đề đang hiện hữu.
Theo Bộ Thông tin và Truyền thông, doanh thu lĩnh vực công nghiệp ICT năm 2022 ước đạt 148 tỷ USD, với lợi nhuận sau thuế khoảng 10 tỷ USD, nộp vào ngân sách hơn 1.5 tỷ USD, tổng đóng góp vào GDP khoảng 30 tỷ USD,[1] như vậy chiếm khoảng 7% GPD cả nước năm 2022.[2] Đáng lưu ý là kim ngạch xuất khẩu phần cứng, điện tử đạt 133 tỷ USD, chiếm tỉ trọng rất lớn trong doanh thu toàn ngành ICT; trong khi đó thị trường phần mềm và dịch vụ công nghệ thông tin Việt Nam chỉ khoảng 2 tỷ USD.
Thống kê chưa đầy đủ đến tháng 9 năm 2023, doanh thu ngành công nghiệp ICT giảm 5%, đạt gần 87 tỷ USD,[3] do gặp khó khăn lớn trong xuất khẩu phần cứng.[4] Nhận thức được khó khăn này, Việt Nam đang đặt mục tiêu phát triển mảng xuất khẩu phần mềm, với miếng bánh lên tới hơn 1.800 tỷ USD trên thị trường toàn cầu.
Tuy nhiên, với sự phát triển như vũ bão của công nghệ AI, liệu mục tiêu trên có khả thi? Ngày 16/2/2024, Google Deepmind và OpenAI đã gây chấn động thế giới khi đồng loạt giới thiệu 2 sản phẩm AI cực kỳ mạnh mẽ: SORA với khả năng thiết kế video với độ dài lên tới 1 phút, chỉ bằng cách ra yêu cầu bằng ngôn ngữ viết. Google Gemini 1.5 cũng không kém cạnh khi có thể đọc hiểu và trích xuất dữ liệu với độ chính xác lên tới 99% với độ dài lên tới 1 triệu token (tương đương khoảng 700,000 từ hoặc 30,000 dòng code), tăng gấp 10 lần so với ChatGPT 4.0, có khả mở ra vô số ứng dụng mới.
Các AI tạo sinh này này đang gây tác động cực kỳ mạnh mẽ trong toàn ngành công nghiệp ICT khi có thể tự động hóa rất nhiều thao tác như viết code, thiết kế media theo yêu cầu, hoặc các dịch vụ khách hàng. Dĩ nhiên AI không, hoặc ít nhất là chưa, thay thế hoàn toàn con người trong các công việc này, nhưng không khó để nhận thấy chúng đang làm giảm một cách đáng kể nhu cầu tuyển dụng trong ngành ICT, với làn sóng sa thải đang dần tác động vào Việt Nam.[5]
Thật khó để đưa ra khẳng định chính xác rằng liệu AI có phải là nguyên nhân chủ yếu dẫn đến sự cạnh tranh khốc liệt trên thị trường ICT hay không. Tuy nhiên, thực tế cho thấy không chỉ các ông lớn mà ai cũng biết như Google, Amazon đã có đợt cắt giảm lớn nhân sự trong năm 2023, mà cả Telus International, một công ty chuyên gia công dữ liệu với hàng trăm ngàn nhân sự tại nhiều quốc gia, cũng đã có đợt cắt giảm mạnh nhân sự, và đồng thời cắt giảm đáng kể mức lương cho người đánh giá (rater) tại các địa phương được gia công (trong đó có Việt Nam), với mức cắt giảm lên tới 25% cho công việc đánh giá quảng cáo từ 4.5$/giờ xuống còn 3.5$/giờ cho nhiều khu vực. Trên Upwork, không khó để nhận thấy các mẩu tin quảng cáo tuyển dụng nhân sự thời vụ cho công việc ICT với giá dưới 5$/giờ cho các công việc mang tính chất kỹ thuật cao như thiết kế web, thiết kế đồ hoạ, viết content nhưng vẫn được trên 50 đề nghị từ các freelancer đến từ các nước có thu nhập thấp như Pakistan, Ấn Độ vào đấu giá chỉ để có được công việc.
Có thể nhận thấy, khi tham gia vào thị trường phần mềm thế giới, nhân sự Việt Nam sẽ phải chạy đua với khá nhiều quốc gia có mức sống ngang hoặc thậm chí còn thấp hơn Việt Nam khá nhiều, nhưng lại có lợi thế về tiếng Anh như Ấn Độ, Phillippines. Không cạnh tranh được về giá, liệu chất lượng nhân sự của chúng ta đã đủ tốt để cạnh tranh lại họ?
Với bức tranh về tác động của AI đối với ngành công nghiệp ICT như vậy, chúng ta cần nghiêm túc nhìn nhận lại vị thế của Việt Nam để có bước chuyển mình kịp thời để đón kịp với xu thế thời đại.
Nếu không được đánh giá đầy đủ, nguy cơ bị thống lĩnh về công nghệ AI bởi các tập đoàn lớn như Google và OpenAI là hoàn toàn có thật. Cần nhớ rằng, nguồn nhiên liệu để đào tạo AI là dữ liệu, và thật đáng buồn khi chúng ta đã có phần chậm bước trong cuộc chơi ICT, để mất nguồn dữ liệu khổng lồ từ các ứng dụng văn phòng, internet, mạng xã hội vào các tập đoàn lớn như Meta, Google, Microsoft khiến các doanh nghiệp Việt Nam khó lòng mà có nguồn dữ liệu đủ tốt như những người khổng lồ này trong cuộc đua huấn luyện AI. Dĩ nhiên tại thời điểm hiện tại, dữ liệu địa phương chưa phải là ưu tiên hàng đầu của các ông lớn, nhưng các mô hình ngôn ngữ lớn đang có bước chuyển mình mạnh mẽ với khả năng học hỏi, sử dụng ngôn ngữ phi tiếng Anh tốt như bất cứ con người nào.[6] Viễn cảnh AI được viết bởi các nhà phát triển nước ngoài nhưng thống trị thị trường Việt Nam là cực kỳ lớn, và họ không nhất thiết phải thuê nhiều nhân sự Việt Nam để củng cố vị thế này, với sự phát triển của các mô hình đa ngôn ngữ (multilingual), đa phương tiện (multimodal).
Trong lĩnh vực học thuật và đào tạo nhân sự, cần nhìn nhận thẳng thắn rằng kể cả các doanh nghiệp lớn trong nước như FPT AI, VinAI cũng chưa tạo ra được nghiên cứu đột phá mang tầm cỡ quốc tế nào, ngoài việc ứng dụng các công nghệ sẵn có vào thị trường Việt Nam (như PhoGPT). Thực tế có khá nhiều nhân tài người Việt, tiêu biểu có thể kể đến AlphaGeometry được tạo bởi nhóm nghiên cứu người Việt, nhưng đang đầu quân cho Google Deepmind tại Hoa Kỳ. Liệu có cách nào để chúng ta đưa được những tài năng này về xây dựng đất nước?
Sự tác động của việc mất đi thị phần ICT không chỉ ảnh hưởng trực tiếp đến các nhân sự ngành ICT, mà còn có thể có tác động lớn đến toàn ngành kinh tế, bởi tỉ trọng không nhỏ của ngành ICT hiện nay trong nền kinh tế Việt Nam, đặc biệt trong mảng xuất khẩu để đem về ngoại tệ. Đồng thời, với sự phát triển vượt bậc của công nghệ AI tạo sinh, các ngành khoa học khác như hóa sinh (có thể bao gồm cả nhóm ngành nông nghiệp công nghệ cao và y tế), vật liệu, sản xuất và tự động hóa cũng sẽ có nhiều bước tiến mang tính chất nhảy vọt làm gia tăng sức mạnh thống trị của các tập đoàn lớn vốn dĩ đã tích lũy rất nhiều dữ liệu từ trước đó, đặc biệt là tự động hóa trong sản xuất máy móc thiết bị, làm giảm nhu cầu gia công tại nước thứ ba.
Thực chất những vấn đề kể trên hoàn toàn không mới, đã được đề cập nhiều lần tại vô số diễn đàn khác nhau. Thế nhưng tốc độ phát triển của Việt Nam dường như chưa đáp ứng được sự phát triển vũ bão của AI, khi chúng ta mới chỉ đứng thứ 59 toàn cầu trong chỉ số sẵn sàng về AI, thua nhiều các nước láng giềng cùng trình độ phát triển như Indonesia (42), Thái Lan (37), Malaysia (23) chứ chưa so đến người láng giềng nhỏ bé nhưng mạnh mẽ Singapore (2).[7] Cần nhớ rằng, đây chỉ là con số đánh giá về mức độ sẵn sàng tiếp nhận AI cho lĩnh vực công, chứ không dựa vào thực trạng hay nguồn lực đã đầu tư vào AI của toàn nền kinh tế. Tuy nhiên nó phần nào phản ánh tư duy của một quốc gia về vấn đề AI, khi không khó để nhận thấy sự kém quan tâm của người Việt Nam đến việc tìm cách ứng dụng công nghệ này vào giải quyết các vấn đề thực tế, mà chỉ sử dụng nó như một công cụ giải trí (chatbot, chỉnh sửa hình ảnh).
Công nghệ AI là một loại công nghệ đặc biệt, với sự phát triển mang tính cấp số nhân chứ không phải cấp số cộng, nên sự đứng im cũng đồng nghĩa với việc khoảng cách tụt hậu cũng sẽ được nhân rộng nhanh chóng.
[1] https://mic.gov.vn/solieubaocao/Pages/TinTuc/162743/So-lieu-phat-trien-linh-vuc-Cong-nghiep-ICT-nam-2023.html
[2] https://vneconomy.vn/tang-truong-gdp-ket-qua-2022-ky-vong-2023.htm
[3] https://vneconomy.vn/8-thang-doanh-thu-cong-nghiep-ict-giam-5-dat-gan-87-ty-usd.htm
[4] https://vneconomy.vn/cong-nghiep-ict-viet-nam-xuat-khau-phan-cung-dien-tu-sut-giam-phan-mem-diem-sang.htm
[5] https://nld.com.vn/lan-song-layoff-cua-cong-ty-cong-nghe-toan-cau-co-anh-huong-toi-viet-nam-196240117074211314.htm
[6] https://blog.google/technology/ai/google-gemini-next-generation-model-february-2024/#performance
[7] https://www.vietnamplus.vn/viet-nam-xep-thu-5-asean-ve-chi-so-san-sang-ai-post921872.vnp